Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Kỹ Thuật Nuôi Chim Yến Hót (Canari)

Kỹ Thuật Nuôi Chim Yến
Tác Giả: Sưu Tầm
This image has been resized.Click to view original image


1/-Dạy hót cho chim Yến thường

I- Tiếng hót của chim yến

Chim yến Canari (Nguồn gốc từ các đảo Canaries ngoài khơi bờ biển phía tây châu Phi) có giọng hót hay. Rồi qua sự huấn luyện đào tạo của các nhà nuôi chim yến ở vùng núi Harz của nước Đức, ngày nay chúng ta đã có một loại yến hót có giọng hót vô cùng độc đáo: giọng hót êm dịu tuyệt vời, khi thì hớn hở du dương, khi thì buồn cảm xa xăm, gợi lòng nhớ quê hương. Giọng hót ấy đủ các loại âm giai:

giọng trầm: (Grave)
giọng cổ (Grognée)
giọng sáo (Flute)
giọng rung (Roulée)
giọng chuông (roulée tintée)
giọng reo (Glou)
giọng nước chảy (Roulée de clapotis)
giọng ru (Berceuse) v.v...
Đó là loại yến dòng dõi yến hót vùng Harz (canari chanteur du Harz). Người sành điệu tìm mua cho được giống yến này và dĩ nhiên giá của nó đắt hơn nhiều so với các loại yến khác.

Ngoài việc nghe tiếng hót để đánh gia,ỏ chúng ta có thể căn cứ thêm vài đặc điểm sau đây để chọn:

Màu sắc: màu lục (thanh yến), màu vàng đậm (hoàng yến), sặc sỡ nhiều sắc (panaché).
Mình thon cao, lanh lợi, cường tráng.
Khi hót mỏ khép lại, phồng mạnh họng lên.
Tiếng hót nhỏ, êm dịu, du dương, không bao giờ hót to một cách ồn ào làm cho ta chói tai.
II- Dạy hót cho chim yến thường

Trong việc nuôi chim yến, người ta phân biệt yến hót và yến màu.
Yến hót là loại thuộc dòng dõi vùng Harz.
Yến màu là loại yến thông thường. Những người nuôi loại yến này chỉ chú trọng đến màu sắc, ít khi nghĩ đến giọng hót của chúng. Chúng hót là theo bản năng. Nếu chúng ta dạy cho chúng hót thì tuy không đạt được trình độ giọng hót của yến vùng Harz, chúng ta có thể cải thiện tiếng hót bản năng của chúng và làm cho chúng hót hay hơn. Như thế có thể có được những con chim yến vừa có màu sắc đẹp vừa có giọng hót hay.

A- Chọn thầy dạy hót

Thầy dạy hót là một con chim yến có giọng hót hay.

Nếu kiếm được một con yến hót dòng dõi yến vùng Harz để làm thầy dạy hót thì tốt nhất.
Nếu không thì hãy chọn trong các chim yến thông thường, con nào hót hay hơn hết cũng được. Trong các chim yến thông thường, những con màu lục (thanh yến), những con màu vàng đậm và những con sặc sỡ nhiều màu sắc là những con hót hay nhất.
Một điều quan trọng cần lưu ý là luôn phải chọn một con chim có giọng hót dịu dàng, du dương và uyển chuyển. Đừng bao giờ chọn một con hót to, giọng ồn ào. Vì sao? Vì đây là vấn đề dạy cho chim yến thông thường hót. Mà chim yến thông thường thì luôn luôn muốn hót to hơn một con ở bên cạnh nó. Vì thế nếu con chim mà ta chọn làm thầy dạy hót có giọng hót ồn ào thì các con chim học trò muốn hót thật to để át tiếng hót của thầy. Chúng cố sức hót thật to và như thế chúng không nghe tiếng hót của thầy để bắt chước. Trái lại, nếu chúng ta chọn một con chim có giọng hót dịu dàng, các chim học trò sẽ không kiếm cách át giọng của thầy, chúng lắng tai nghe và học hót theo giọng hót của thầy. Tuy không đạt được đến độ hoàn hảo giọng hót của thầy, các chim học trò có thể lần hồi cải thiện giọng hót bản năng của chúng.
Sau khi đã chọn được con chim để làm thầy dạy hót, chúng ta hãy cách ly nó ra. Đừng bao giờ để nó tiếp xúc với chim mái.
Sau khi nó thay lông xong, giọng hót của nó sẽ trong trẻo. Và chúng ta có được một thầy dạy hót lý tưởng. Trong nhiều năm nó có thể dạy hót cho các chim yến con thông thường.

B- Cho các chim yến con thông thường học hót như thế nào?

Sau khi các chim con (dưới một năm tuổi) thay lông xong, chúng ta hãy lựa các chim trống riêng ra để cho chúng học hót. Chúng ta có thể nhận ra các chim trống với các dấu hiệu sau: so với chim mái, đầu chim trống tròn hơn, con mắt linh hoạt hơn, dáng điệu cường tráng hơn, sắc lông chung quanh đầu đậm hơn, chân mạnh mẽ hơn.
Tập trung các chim trống ấy vào một cái lồng lớn và để trong một phòng riêng mà ở đó chúng sẽ tiếp xúc với con chim mà ta đã chọn để làm thầy dạy hót.
Nếu chưa quen phân biệt được chim con trống và mái, hãy đặt thêm một cần đậu thứ ba ở giữa lồng và thấp hơn các cần đậu ở hai đầu lồng hình chữ nhật. Sau vài ngày, chúng ta sẽ thấy các chim trống tập trung trên cần đậu đặt thêm ấy để nghe chim thầy cho được rõ hơn, vì lồng chim thầy được đặt gần cần đậu đặt thêm ấy. Còn các chim mái vẫn ở trên các cần đậu của chúng ở hai đầu lồng. Chúng ta hãy bắt các chim mái ra.
Khi mặt trời sắp lặn, chúng ta hãy che hoàn toàn lồng các chim học trò lại bằng một tấm vải đen. Hãy chiếu sáng lồng của chim thầy bằng đèn điện trong vài giờ để nó tiếp tục hót; sau đó tắt đèn và cứ để tất cả như thế. Bình minh hôm sau bài học lại tiếp tục. Khi chúng ta đến cho chim ăn và săn sóc chúng, hãy cất tấm vải đen đi.
Ngày nào cũng tiếp tục làm như thế.
Muốn các bài học hót có kết quả, chúng ta phải để cho các chim con học hót suốt năm với chim thầy của chúng.
Năm thứ hai, chúng ta có thể cho chim học trò năm thứ hai học chung với chim học trò năm thứ nhất.

Kết luận: Nghề chơi cũng lắm công phu. Nhưng nếu chúng ta theo đúng các điều chỉ dẫn trên đây, chúng ta sẽ có được những con chim yến vừa làm cho chúng ta vui mắt vừa làm cho chúng ta vui tai.

2/- Kinh nghiệm nuôi chim Yến những sổ sách cần ghi chép

Người nuôi chim yến nên có 3 quyển vở để ghi chép những dữ kiện cần thiết về các con chim mình nuôi.

Một quyển vở về huyết thống của chim giống.
Một quyển vở nuôi chim.
Một quyển vở để ghi chép những dữ kiện về chim non.
I- Vở về huyết thống của chim giống:

Mẫu sổ huyết thống của chim giống
Trang bên tay trái Trang bên tay mặt
(1) Bố mẹ của chim giống (2) Chim giống
* Bố của chim trống
- Ngày tháng năm sinh
- Số vòng
- Sắc lông
Hình vóc
- Giọng hót
* Mẹ của chim trống
- Ngày tháng năm sinh
- Số vòng
- Sắc lông
Hình vóc
- Giọng hót
* Bố của chim mái
- Ngày tháng năm sinh
- Số vòng
- Sắc lông
Hình vóc
- Giọng hót
* Mẹ của chim mái
- Ngày tháng năm sinh
- Số vòng
- Sắc lông
Hình vóc * Chim trống
- Ngày tháng năm sinh
- Số vòng
- Sắc lông
- Hình vóc
- Giọng hót
* Chim mái
- Ngày tháng năm sinh
- Số vòng
- Sắc lông
- Hình vóc
* Ngày dự định sẽ ghép đôi
- Tuổi của chim trống đến ngày dự định sẽ ghép đôi...
- Tuổi của chim mái đến ngày dự định sẽ ghép đôi... Trên trang này ghi các nhận xét về sự ghép đôi ấy. Sau đó ghi tiếp các dữ liệu về các con chim sinh ra từ sự ghép đôi ấy.
Mỗi chim non:
- Ngày tháng năm sinh
- Số vòng
- Sắc lông
- Trống mái
Ngày dự định sẽ ghép đôi, xin xem lại bài về nguyên lý nhịp giống - trống và nhịp giống - mái của chim (TC Hoa Cảnh số Xuân Đinh Sửu 1997)

Trong một bài đăng trong Tạp chí Hoa Cảnh số 2/1997 tôi đã trình bày vấn đề phải chọn chim giống (trống và mái), như thế nào để chim con có hình vóc cao lớn khỏe mạnh, hót hay và màu sắc đẹp đẽ, rực rỡ. Khi đã chọn được chim giống rồi, ta hãy ghi chép các dữ kiện vào một quyển vở, gọi là vở về huyết thống của chim giống.

Ta dùng một quyển vở học sinh. Ta chia trang bên trái thành hai phần bằng nhau; vậy là ta có 2 cột.

- Trong cột thứ nhất, ta ghi các dữ kiện về bố mẹ của chim giống.
- Trong cột thứ hai ta ghi dữ kiện về chim giống. (trống và mái)

Trên trang bên phải không chia cột, ta sẽ ghi chép các nhận xét về sự ghép đôi ấy. Thí dụ như sự ghép đôi có đem lại những kết quả đúng như ta mong muốn khi ta chọn chim giống hay không.

Sau đó ta ghi chép các dữ kiện về các chim con.

II- Vở nuôi chim:

Vở nuôi chim phải ghi đầy đủ ngày ghép đôi, ngày đạp mái, ngày đẻ trứng đầu tiên, số trứng đẻ, số trứng có cồ(1), ngày bắt đầu ấp, số con nuôi được, ngày đeo vòng, số vòng, trống hay mái, sắc lông.

Trong phần ghi chú có thể ghi các dữ kiện khác về chim con (dưới 28 ngày) thí dụ hình vóc, sức khỏe, bộ điệu, lanh lợi hay thờ ơ..v.v....

III- Vở ghi chép những dữ kiện về chim con:

Các dữ kiện về chim con đã được ghi vắn tắc ở phần bị chú của quyển vở thứ hai (vở nuôi chim). Nhưng muốn ghi đầy đủ các chi tiết về chim con, ta có thể dùng thêm một quyển vở thứ ba để ghi chép cho đầy đủ hơn.

IV- Phần bổ túc:

a- Tuần trăng lên, tuần trăng xuống.

Theo kinh nghiệm của những người nuôi chim yến, nên ghép đôi chim yến trong tuần trăng lên chứ đừng ghép đôi trong tuần trăng xuống.
Thật ra, tuần trăng lên và tuần trăng xuống đề cập trong việc ghép đôi chim yến là căn cứ vào ngày sinh của con chim, chứ không phải là căn cứ vào tuần của mặt trăng và âm lịch. Xin nhắc lại trong mỗi chu kỳ 23 ngày của nhịp giống trống ta có 2 lần trăng lên và 2 lần trăng xuống. Và trong mỗi chu kỳ 28 ngày của nhịp giống mái ta cũng có 2 lần trăng lên và 2 lần trăng xuống. Rõ ràng là không liên hệ gì đến tuần của trăng. (các bạn có thể xem về việc ghép đôi chim yến theo các nguyên lý về các nhịp sinh lý của nhà bác học người Đức W.Flies đăng trong Tạp chí Hoa Cảnh số xuân Đinh sửu 1997).

b- Trứng có cồ:

Trứng có cồ tức là trứng được thụ tinh; trứng không có cồ tức là trứng không được thụ tinh, còn được gọi là trứng trong.Muốn biết trứng có cồ hay không, có 2 cách: Một là soi trứng; hai là tắm trứng.

* Soi trứng:
sau khi trứng được ấp từ 5 đến 6 ngày. Với một cái muỗng cà phê, ta lấy một cái trứng ở trong ổ ra, để nhẹ vào một cái hộp có lót bông; hãy cầm cái trứng ấy giữa ngón cái và ngón trỏ thật nhẹ nhàng vì trứng rất dễ vỡ; giơ trứng ra ánh sáng và dùng bàn tay kia làm chụp che mắt khỏi chói. Nếu trứng có cồ nghĩa là được thụ tinh, ta sẽ thấy một chấm đen nhỏ ở đầu nhọn của trứng.
Trong trường hợp ấy hãy đặt trứng vào tổ. Nếu là trứng không có cồ, ta thấy nó trong sáng, không có màu sắc gì. Phế bỏ trứng ấy. Tiếp tục làm như vậy với các trứng khác. Nếu tất cả các trứng đều là trứng trong, cho chim mái tiếp tục ấp là điều vô ích, chỉ làm cho nó mệt lâu hơn mà thôi. Ta hảy lấy tổ ra và thay thế bằng chậu tắm. Hãy đợi khoảng mười ngày sau hảy ghép đôi lại.

* Tắm trứng:
Hãy rót nước hơi âm ấm vào một cái bát, dùng muỗng cà phê lấy các trứng đã ấp 9 ngày ra và bỏ vào bát nước ấy. Trứng trong sẽ nổi lên trên mặt nước. Trứng có cồ thì chao đảo, quan sát kỹ ta thấy dường như trứng muốn dựng đứng dậy hoặc di chuyển trong nước. Ta hãy phế thải các trứng trong và đặt lại các trứng đã được thụ tinh vào tổ. Tắm trứng như vậy cũng còn giúp cho trứng nở tốt.

c- Đeo vòng:
Ta có thể đeo vòng cho chim con trong các ngày 8, 9, và 10 sau khi chúng nở ra.
Khi đeo vòng cho chim con, ta phải rửa tay cho thật sạch, tránh có mùi thuốc hút; đừng sờ vào tổ như vậy khỏi sợ chim mẹ bỏ chim con.
Việc đeo vòng được thực hiện làm 3 giai đoạn:

Ta nắm chim con trong tay trái, đưa chân nó lên trên; với một chút nước miếng hay va-dơ-lin, ta thấm ướt chiếc vòng và các ngón chân của chim; dùng ngón cái và ngón trỏ của tay trái; ta chụm ba ngón trước của chân chim vào nhau; ta đẩy chiếc vòng cầm trong tay mặt qua ba ngón trước của chân chim con; hãy cẩn thận với móng của các ngón chân ấy.
Dùng ngón tay trái đè ngón chân sau của chim vào chân của chim, tay mặt từ từ đẩy chiếc vòng qua khỏi ngón chân sau của chim. Cũng phải rất cẩn thận đừng làm rách móng của ngón chân chim trong lúc làm thao tác ấy. Chiếc vòng đã được đeo vào nhưng đừng nằm quá cao nơi chân chim.
Hãy đẩy nhẹ chiếc vòng xuống để cho nó ở vào vị trí bình thường.
Mẫu vở nuôi chim
Chim Bố:
- Số vòng
- Ngày tháng năm sinh
- Sắc lông
- Vóc dáng
- Giọng hót Chim mẹ:
- Số vòng
- Ngày tháng năm sinh
- Sắc lông
- Vóc dáng Ngày ghép đôi:
Ngày
Đạp mái Đẻ Số trứng Số trứng có cồ Ấp Tỉ lệ nở Đeo vòng Số vòng số con nuôi được Trống mái sắc lông


3/-Nuôi chim yến đẻ và yến hót

1- Nuôi chim đẻ:

A- Chim yến phụng: Trong mùa chim đẻ, không được xê dịch chuồng, làm động ổ, chim sẽ ngừng đẻ cho đến mùa sau.

B- Chim yến: Loại này có nhiều màu lông trắng, lông vàng (chanh và sậm), nâu có sọc (agate), vàng xanh có sọc, chim yến đỏ, Loại agate và chim đỏ thường được gọi là chim yến màu. Chim yến màu có hai giống đã được nhập cảng từ Pháp (chim lớn con) và từ Nhật Bản (nhỏ con hơn).

Màu sắc của chim yến màu: Để có màu đỏ sậm, cần phải chú trọng đến thức ăn của chim (như đã nói phải cạo cà rốt cho ăn mỗi ngày; ngoài ra chuồng chim không được để cỗ có nhiều ánh sáng làm lạt màu.
Về thức ăn hàng ngày, trong chuồng luôn phải có một miếng mai mực và cho ăn thêm loại kê có tên gọi Kê Láng. Hạt to bằng hạt tiêu sọ, vỏ láng. Trước năm 1975, thường phải nhập cảng từ Pháp về. Lâu lâu cũng thấy có bán ở chợ chim thành phố.
Chuồng chim: Chuồng thường là chuồng hộp có ba ngăn, hai ngăn bìa để nuôi chim đẻ, ngăn giữa để nhốt tạm chim con sau khi bỏ ổ độ một tuần để cho chim cha bón thêm cho đến khi chim con ăn mạnh mới dời qua chuồng nuôi chim con.
Chuồng thường làm bằng dây kẽm hàng chấn song: Đáy chuồng có hai phần, bên dưới là cái mâm bằng nhôm hoặc bằng kẽm để hứng phân và các vỏ hạt chim nhằng rơi vãi trong chuồng. Phần trên là một tấm vỉ bằng dây kẽm hàng chấn song. Đáy chuồng và tấm vĩ phải được rửa sạch sẽ hằng ngày.
Sức khỏe của chim: Chim mạnh, thường hay nhảy nhót trong chuồng, chim trống hay hót, màu lông sáng sủa. Chim bệnh, lông xơ xác, màu tối không sáng, ít bay nhảy, thời gian thay lông kéo dài.
Để theo dõi sức khỏe của chim, hằng ngày xem phân của chim, phân đen, cứng đặc, có một chút giống sáp trắng và có nước bao trùm bãi phân. Đó là dấu hiệu chim khỏe mạnh. Trái lại, nếu phân chim dính lại ở hậu môn làm rụng lông chim đó là dấu hiệu chim đã bệnh nhiều, phải cách ly để lây qua các con khác.
Chuồng không rửa lâu ngày có thể dẫn đến bệnh ở móng và chân chim; đầu ngón chân sưng to, chân bị nấm, chim đứng không vững.
Chim mái bị bệnh kéo dài thời gian đẻ, thay vì mỗi ngày đẻ một trứng, có thể hai hoặc ba ngày mới đẻ một trứng, do đó mùa sinh sản bị xáo trộn kéo dài đưa đến việc chim trống phá ổ trong lúc chim mái ấp.
Nuôi chim yến đẻ: Ở miền Nam chim mái thay lông thường đến tháng 12 dương lịch thì hoàn tất và bắt đầu đòi trống, Mùa sinh sản bắt đầu vào đầu tháng giêng dương lịch năm sau.
Có nhiều phương pháp ghép trống mái, thí dụ như một trống hai mái hoặc một trống một mái. Bỏ trống thình lình v.v... Sau đây xin đề cập đến tuổi của chim, ngày ghép chim trống, ngày chim ấp. Người nuôi chim phải chú trọng những gì để đạt được kết quả cao.
Tuổi của chim: Như đã biết chim có thể ghép đôi sau khi được 12 tháng tuổi và đã thay lông. Kinh nghiệm cho thấy:
- Nếu hai con trống mái cùng một lứa tuổi được ghép đôi sẽ cho số chim con trống mái bằng nhau.
- Nếu chim trống già hơn mái, số chim con mái nhiều hơn chim con trống.
- Nếu chim trống non hơn chim mái, số chim con trống nhiều hơn chim con mái.
Tùy trường hợp muốn nhiều chim trống hay mái, sẽ áp dụng một trong các cách trên đây.
Để biết tuổi của chim, thường xem các vòng đeo ở chân, trên đó thường có ghi năm sinh của chim. Trường hợp chim không có đeo vòng, thì còn cách đếm lông cánh của chim (lông dài và lớn) để biết tuổi của chim. Bạn đã biết tuổi một con chim được bao nhiêu tuổi, bạn bắt nằm trong tay và đếm lông cánh của chim này. Nếu chim được 2 tuổi thì số lông cánh sẽ có thêm một cái nữa. Và nếu chim cứ lớn thêm 1 tuổi nữa, thì lại thêm một cái nữa. (Vì lâu ngày tôi không nhớ số lông cánh của năm đầu tiên nên đề nghị quí bạn nên đếm để nhớ). Ngoài ra, khi các bạn rành nghề chơi chim thì không lưu giữ các chim già nên cũng không còn nhớ tối đa là bao nhiêu. Tuy nhiên, cái cần biết là năm đầu và hai năm sau để ghép chim theo ý muốn nói trên.
Thời điểm ghép này rất quan trọng, nó sẽ quyết định thành quả của mùa sinh năm đó.
Kinh nghiệm cho thấy, các nhà nuôi chim đẻ Tây phương hay Đông phương cũng dùng cái móc gọi là tuần trăng lên hay chính xác hơn là từ ngày mùng một đến ngày rằm (15) âm lịch. Khi chim trống mái sẵn sàng để ghép đôi, thì cứ bắt đầu tuần trăng xuống (từ 23 đến 30 âl) tháng 11 âm lịch hoặc tháng 12 âm lịch, đưa chim trống và chim mái lại gần nhau ở hai chuồng ngăn đôi do một vách ngăn. Đồng thời cũng lót cho chim mái cái ổ. Chim mái sẽ bắt đầu tha rác và xoáy ổ. Bên chuồng kế bên thì chim trống sẽ thi thố tài năng hót reo. Thường thì bắt đầu những ngày cuối tháng và bắt đầu tháng âm lịch, chim mái sẽ nằm ép trên cầu, xòe cánh đuôi đồng thời ngoảnh cổ lên kêu riu ríu. Lúc đó bỏ trống vào. Tuy nhiên cần nhớ là chim đạp mái vào buổi sáng sớm và chạn vạng tối, không nên thả chim trống vào buổi trưa, chim mái không chịu.
Sau một hai ngày chịu trống (lúc này cũng qua đầu tháng âm lịch là tuần trăng lên, chim mái sẽ đẻ, mỗi ngày một trứng. Mái tơ sung sức có thể đẻ 5, 6 trứng mới ấp, thường khi thấy trứng chim mới đẻ mà có màu xậm, xanh đậm hơn mấy cái trứng trước, thì đó là trứng sau cùng, chim bắt đầu ấp.
Như các phần trên đã nói, mỗi ngày sau khi đẻ phải lấy một cái muỗng lấy trứng ra cất một chỗ riêng. Khi biết bắt đầu ấp, thì vào sáng sớm hôm sau, lúc hừng đông 5, 6 giờ sáng cũng nhè nhẹ lấy hết số trứng đã có để vào lòng bàn tay và cùng lúc để vào ổ cho ấp. Cách làm này, trứng sẽ nở cùng một lúc sau 13 ngày và cũng vào hừng đông. Lúc đó chim cha, chim mẹ cũng bắt đầu kiếm ăn nên việc chăm bón cho con được phối hợp cùng lúc. Chim con nở một lượt, có sức mạnh đồng đều nên được chăm bón rất đều, chim con lớn đồng đều nhờ đó mà kết quả đạt được rất cao (thường là 100% số chim nở). Trái lại, nếu mỗi ngày không lấy trứng ra cứ để nguyên trong ổ, do có sự cách biệt mấy ngày, nên có con nở trước được hôm trước đã lớn hơn con nở hôm sau. Sự tranh ăn không đều nên các con nở sau sẽ chết vì thiếu ăn. Lần đầu tiên ghép chim đúng thời điểm ổ chim đẻ thứ hai cũng sẽ ở vào tuần trăng lên.
Mỗi mùa cho chim đẻ độ 4 ổ là vừa sức, thời gian sanh đẻ độ 180 ngày (6 tháng) sẽ tách rời chim mái, cho ăn ít hoặc các thức ăn ít vitamin để chim chuẩn bị đi vào thay lông.
Mùa sanh sản năm sau lại được tiếp tục như năm trước.
Xem trứng chim biết trống mái:
Nếu đôi chim cùng lứa tuổi, thường chim mái đẻ một trứng trống rồi ngày sau trứng mái. Mỗi ổ thường có hai trứng mái và hai trứng trống. Tuy nhiên, vì có nhiều cách ghép chim không theo lứa tuổi, có thể trứng trống nhiều hơn trứng mái. Để phân biệt chỉ cần quan sát hình dạng của trứng chim.
- Trứng sẽ nở chim trống có một đầu lớn, một đầu nhỏ và nhọn.
- Trứng sẽ nở chim mái sẽ có hai đầu tròn như nhau.
C: Tập chim hót hay và dài hơi

Trước nhất nên nhớ là chim từ hai tuổi trở lên mới trưởng thành và mới hót hay. Để tập cho chim hót dài hơi và tiếng hót tiếng reo có đủ tiếng trầm bổng, cao thấp như điệu nhạc. Các nhà sản xuất chim hót ở Âu châu có thu băng tiếng các con giống hót dài hót hay và thu nhiều lần nên một băng dài đến 45 phút.

Chim tập hót được nhốt mỗi con một lồng nhỏ đem treo trong phòng cách nhau độ một thước. Sau đó sẽ mở máy cho băng chạy. Chim tơ theo đó mà ganh đua kéo dài tiếng hót, luyện giọng.

D: Cách đeo vòng cho chim

Các nhà nuôi chim ở Âu châu, có lập Hội nuôi chimvà sản xuất loại vòng đeo ở cổ chân của chim, trên đó có khắc năm sinh và chữ tắt của Hội. Khi gia nhập Hội, mỗi nhà nuôi chim được cung cấp một hộp khoen nhỏ và cái kềm bấm số.

Muốn đeo khoen cho chim, từng bước sẽ thực hiện như sau:

Chim con được 7 ngày hay 8 ngày tuổi, bắt chim ra cầm ngửa tay trái, lấy ngón tay trái ngón trỏ chụm ba ngón trước của chân chim vào nhau và cho lọt vô cái vòng cầm ở tay mặt đưa vào.
Sau đó sẽ lấy ngón tay trái đè ngón chân sau của chim vào với phần chân của chim. Tay mặt từ từ cho cái vòng qua khỏi móng của ngón chân sau. Vòng được đeo vào chân chim. Trả chim vào ổ trở lại.
Công việc làm không khó, một vài lần sẽ quen tay. Ở thành phố cũng có nhiều người cho chim đeo vòng, loại bằng ny-lon có màu khác nhau để đánh dấu chim của nghệ nhân đó sản xuất.

Rất mong các kinh nghiệm trên đây sẽ giúp quý bạn thành công.

4/. Bệnh rụng lông từng phần

Về vấn đề chim yến thay lông, đó là điều bình thường xảy ra mỗi năm một lần và thay lông xong chim yến sẽ trở thành xinh đẹp và sung sức hơn. Trái lại, nếu chim chỉ rụng một phần lông, rồi phần lông đó không mọc lại nữa, thì đó là một bệnh được gọi là bệnh rụng lông từng phần. Tuy không phải là một bệnh đưa đến tử vong, nhưng là một bệnh dai dẳng, âm thầm, tráo trở suốt năm làm cho chim suy nhược.

I. Bệnh trạng và hậu quả

A. Bệnh trạng: Bệnh rụng lông từng phần là bệnh thiếu sắc tố, biểu hiện bằng nhiều trạng thái khác nhau và cũng không phải luôn luôn có nguồn gốc như nhau. Thông thường là do bệnh gan gây nên.

1) Thời kỳ thứ nhất: Trạng thái đầu tiên là da ngứa ngáy; chim cứ rúc rỉa lông mãi không ngừng. Sau đó chim rụng lông sau đầu, phía trên ót và đôi khi gần nơi mỏ.

2) Thời kỳ thứ hai : Sau đó, ta thấy một lông cánh phía dưới lồng, rồi một lần khác là một lông đuôi. Vết vụng lông sau đầu rộng thêm ra; đôi khi đầu rụng hết lông và kết thúc với sự hình thành vết sắc tố.

3) Thời kỳ thứ ba: Từ thời kỳ thứ hai qua thời kỳ thứ ba, có một giai đoạn dài ngừng lại, lông không rụng nữa, nhưng lông đã rụng thì không mọc lại. Bệnh tấn công cả ngoại lẫn nội. Nếu ta bắt và cầm con chim trong tay, nó để lại trong tay ta một ít lông; ta có cảm giác cầm trong tay một con chim ươn ướt, run rẩy; chim có vẻ mềm, ẻo lả và đứng không vững trên cần đậu. Chim thường rù, dáng buồn bã, màu lông úa, không tươi. Chim hết lanh lợi, hai con mắt cũng mất đi vẻ linh hoạt. Phần mút cánh thì thòng xuống. Chim ăn không ngừng. Đó là thời kỳ thứ ba.

Ghi chú: Bệnh rụng lông từng phần có thể khởi phát mà không có sự rụng lông nơi đầu, bệnh có thể biểu hiện với sự rụng lông dài, tức là lông cánh và đuôi. Cũng có thể có trường hợp, chim trải qua thời kỳ thứ nhất và thứ hai mà không có sự rụng lông. Bệnh tấn công trực tiếp vào trạng thái toàn diện và chính trong tình trạng ấy sự rụng lông bắt đầu, và bệnh đã trở thành trầm trọng. Nếu là một con chim hót nó bị khan tiếng.

B. Hậu quả: Bệnh rụng lông từng phần làm suy nhược các cơ quan trong thân thể chim. Những con chim xấu về phương diện sinh sản:

Chim mái thì bỏ trứng không ấp, hoặc bỏ rơi chim con không nuôi.
Chim trống thì dù có đạp mái cũng đưa kết quả là "trứng trong" nghĩa là trứng không được thụ tinh, có ấp cũng vô ích, trứng không nở.
Như đã nói ở đầu bài này, bệnh rụng lông từng phần không phải là một bệnh đưa đến tử vong, nhưng là một bệnh dai dẳng. Thành thử lúc nào chim cũng rụng lông và chỉ ngưng lại khi nào sự thay lông bình thường không phải lúc nào cũng làm cho bệnh rụng lông từng phần chấm dứt, mà chỉ có phương pháp được gọi là "phương pháp dã mang" mới chữa trị được hẳn và không tái phát.

II. Nguyên nhân:

Có 4 nguyên nhân gây bệnh rụng lông từng phần:

Chế độ ăn uống
Sự thay đổi thời tiết, khí hậu.
Sự thay đổi chỗ ở.
Thường nhất là do sự nấu ăn hay sưởi ấm bằng những lò cháy chậm và lâu, như lò than quạt cho hừng rồi rắc tro lên phủ kín để than lâu tàn.
Chim nuôi trong phòng mà cửa thông và cửa sổ đều đóng kín và phải chịu đựng suốt ngày đêm sự sưởi ấm bằng thứ lò than như đã nói trên đây thì dễ bị ngộ độc và chính là nguyên nhân đưa đến bệnh rụng lông từng phần.
Thức ăn bổ dưỡng quá độ cũng làm cho chim đau gan và đó cũng là nguyên nhân làm cho nó rụng lông từng phần.
III. Các chữa trị:

Ta có thể chận đứng bệnh rụng lông từng phần và chữa lành bệnh khi còn trong thời kỳ thứ nhất.
Ta có thể làm ngừng lại sự rụng lông và chận đứng bệnh rụng lông từng phần trong thời kỳ thứ hai.
Ta có thể, trong thời kỳ thứ ba, làm cho bệnh ngưng lại và chữa cho chim lành bệnh, nhưng phải đợi đến thời kỳ thay lông bình thường để cho lông mọc lại và chữa trị bằng "phương pháp dã man" như sau đây:
Cách chữa trị rụng lông từng phần bằng phương pháp dã man:

Với một tấm màn, che chim bệnh lại để cho nó ở trong bóng tối lờ mờ. Trong thời gian điều trị ta hãy giở tấm màn che mỗi ngày một ít.

Trong suốt thời gian chữa trị, đừng có di chuyển chim đi nơi khác.

1) Mười lăm ngày lần thứ nhất:

Cho ăn mật đen (mật ong trộn với than củi tán nhỏ), xà lách xon. Cũng cho ăn thêm "pa-tê thay lông". Cho uống nước kép.

Cách làm món pa tê thay lông.
- Nghiền bít cốt và một cái trứng luộc thật chín, (cả lòng đỏ và lòng trắng, nhưng không có vỏ).
- Thêm vào hỗn hợp ấy 2 muỗng cà phê than củi.
- Trút hỗn hợp ra dĩa, thêm vào 1/4 muỗng cà phê dầu cá. Quậy kỹ để pa tê hút dầu; thêm vào vài muỗng cà phê nước âm ấm, đánh thật kỹ pa tê ấy với một cái nĩa cho nó nổi lên.
Như vậy chỉ trong vài ba phút ta đã có món pa-tê để trị rụng lông từng phần.
Nước kép.
Bỏ vào chai nước suối 1 muỗng cà phê sulfat xút. Mỗi lần dùng, nhớ lắc chai thật kỹ.
2) Mười lăm ngày lần thứ hai:

Như lần thứ nhất.

Nếu chim khỏe thì cho uống 1/2 nước kép và 1/2 nước thường.

3) Mười lăm ngày lần thứ ba:

Như lần hai.
Nếu chim khỏe thì sự rụng lông phải chấm dứt. Ta có thể treo cho chim một chút mỡ tươi.
Nước uống: 1/4 nước kép và 3/4 nước thường.

4) Mười lăm ngày lần thứ tư:

Chim phải khỏe mạnh. Nếu thấy phân đen và trắng tức là chim đã lành bệnh.
Tiếp tục cho ăn uống như trên. Mỗi tuần một lần cho thêm pa tê. Rồi trở lại dần dần chế độ ăn uống bình thường. Cứ giữ một thời gian mật đen và xà lách xon. Sau đó cho một ít trái cây như bom, chuối, cam.
Sau đó chấm dứt mật đen và nước kép.

Trước khi kết thúc bài này, xin lưu ý các bạn nuôi chim yến về điểm sau đây:

Lắm lúc ta có thể nhận thấy rằng trong mùa ghép đôi, sau lứa ấp đầu tiên, chim của ta bị rụng lông từng phần mà nguyên nhân là do thay đổi thức ăn và do thiếu chuẩn bị trước khi ghép đôi. Gặp trường hợp ấy, tức thời ta phải chữa trị cho chim và đừng tiếp tục ghép đôi, vì bất cứ lý do gì. Nếu không thì các lứa ấp đều sẽ thất bại và có thể cả chim bố mẹ cũng tử vong.

This image has been resized.Click to view original image

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét